Khác Biệt Giữa Cúng Đầy Tháng Cho Bé Trai Và Bé Gái.

Khác Biệt Giữa Cúng Đầy Tháng Cho Bé Trai Và Bé Gái.

Người Á Đông có quan niệm rõ ràng trong việc phân biệt nam nữ. Hầu hết nghi lễ cúng bái trong phong tục người Việt đều có điểm khác biệt giữa nam nữ.

Trong lễ cúng đầy tháng cho bé gái

Thông thường thì lễ cúng đầy tháng cho bé gái, chè được dùng để cúng là chè trôi nước. Hình ảnh bánh trôi nước đã được Hồ Xuân Hương ví von như hình tượng một người con gái đẹp “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Bên ngoài trắng mịn và dẻo thơm bên trong béo bùi của nhân đậu xanh và nước cốt dừa, kết hợp cùng vị ngọt thanh của nước đường đã tạo nên món chè trôi nước độc đáo.

Chè trôi nước trong lễ cúng đầy tháng cho bé gái hàm ý mong muốn con gái sau này có được dẻo dai nhưng ngọt ngào và thanh tao. Vị ngọt như những may mắn và hạnh phúc mà gia đình muốn bé gái sau này có được. Chè trôi nước tuy dễ làm dễ ăn, nhưng lại có hương vị ngọt ngào khiến cho lòng người vấn vương.

Trong lễ cúng đầy tháng cho bé trai

Cúng đầy tháng cho bé trai thường được cúng món chè đậu trắng. Hạt đậu phải được lựa chọn, khi chưa nấu phải còn cứng và hạt tròn dài đều. Sự cứng cáp ấy mong muốn cho sự rắn rỏi của con trai, nhưng sau khi được “nấu chín” thì trở nên mềm và dẻo. Tượng trưng cho người con trai phải trải qua nhiều thử thách để trưởng thành lại trở nên mềm dẻo trong cuộc sống. Vị ngọt của nước cốt dừa chan trên mặt bát chè đậu trắng tượng trưng cho những lời chúc phúc ngọt ngào mà gia đình và người thân muốn gửi đến cho bé.

Ngoài sự khác biệt trong cách chọn xôi chè trong lễ cúng và cách chọn ngày làm lễ theo quan niệm "nam trồi 2, nữ sụt 1" thì ý nghĩa và sự thiêng liêng là như nhau quan trọng nhất vẫn là lòng thành kính. Đây là dịp để gia đình bày tỏ lòng thành kính và biết ơn với các Bà Mụ, Đức Ông đã mang đứa trẻ đến cho gia đình và thông báo cho những người thân quen biết sự có mặt của một thành viên mới trong gia đình để nhận được sự che chở và yêu thương từ mọi người.